Đi bộ là thói quen rèn luyện của nhiều người, đem lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe cũng như tinh thần. Tuy nhiên, thời tiết nóng nực có thể làm cho thói quen này bị gián đoạn. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý khi đi bộ trong thời tiết nắng nóng.
Chọn thời gian đi bộ hợp lý
Chọn một thời gian rèn luyện lý tưởng là vấn đề rất quan trọng, có ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động. Theo những chuyên gia sức khỏe, thời điểm bình minh là tốt nhất cho việc đi bộ, đặc biệt là vào các tháng hè. Tại những khu vực gần biển, gió biển bắt đầu làm mát mọi thứ vào cuối buổi chiều và đây là thời điểm thích hợp để đi bộ. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực nội địa, nhiệt độ tăng lên cho đến 5 giờ chiều và không được làm mát cho đến khi mặt trời lặn. Trường hợp này bạn cũng có thể đi bộ vào buổi tối.
Theo chia sẻ của những chuyên gia y tế, nên cân nhắc về việc tập thể dục khi nhiệt độ môi trường trên 320C và độ ẩm tương đối là trên 60%. Tại thời điểm quá nóng để tập thể dục ngoài trời, tốt nhất nên tập luyện đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đi bộ trong nhà hơn là ra ngoài trời.
Uống nhiều nước
Uống nước, đặc biệt là nước lạnh có khả năng giảm nhiệt độ cơ thể và giữ cho cơ thể mát mẻ khi đi bộ trong thời tiết nóng. Chính vì thế, khi đi bộ, bạn nên mang theo một chai nước mát để sử dụng thường xuyên. Trong thời tiết nóng, hãy uống nước ngay cả khi không khát để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Thông thường, 60 phút trước khi bắt đầu đi bộ hãy uống một ly nước lớn 200-300ml. Tiếp đó trong quá trình đi bộ, cứ sau mỗi 20 đến 30 phút lại uống một lượng nước khoảng 150ml. Một điều bạn cần lưu ý là tránh dùng nước uống có nồng độ đường cao như nước trái cây hoặc soda do không được hấp thu dễ dàng khi đi bộ trong thời tiết nóng và có thể gây buồn nôn.
Sử dụng những cách làm mát
Có rất nhiều cách làm mát cho cơ thể. Bạn có thể sử túi chườm lạnh, túi gel lạnh, túi nước đá hoặc thậm chí khăn ướt đều là giải pháp làm mát tuyệt vời khi đi bộ trong thời tiết nóng. Những túi gel có thể làm đóng băng trước khi sử dụng, sau đó giữ trong túi hoặc túi đựng đồ để sử dụng. Đặt khăn lạnh quanh cổ để làm mát nhanh. Vã nước lạnh vào mặt và cổ có thể giúp hạ nhiệt. Trường hợp đi bộ trong vùng quá nắng, có thể làm ướt mũ hoặc khăn và đội lên đầu để giúp bạn mát mẻ. Buộc một chiếc khăn ướt trên cổ tay cũng có thể giúp giảm nhiệt.
Một số lưu ý về vấn đề sức khỏe
Dù thực hiện những biện pháp phòng ngừa nói trên, bạn vẫn có khả năng gặp phải những nguy cơ sức khỏe do nắng nóng gây ra. Một số hiện tượng thường gặp như kiệt sức do nóng, say nắng; chuột rút… Khi đang đi bộ trong thời tiết nắng nóng mà thấy chóng mặt, buồn nôn, da khô, cảm giác ớn lạnh, bạn hãy dừng lại và cố gắng uống nước. Nếu không cảm thấy đỡ hơn thì cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Bên cạnh đó, những người có các vấn đề về tim hoặc hô hấp, hay đã có tiền sử đột quỵ, hãy trao đổi với bác sĩ về việc đi bộ trong thời tiết nóng để xin lời khuyên cần thiết.
Giảm cường độ vận động
Bạn cần xác định mức độ tập thể dục của riêng mình. Không nên cố gắng quá xa với sức lực bản thân. Nếu mới tập thể dục hoặc nếu tập thể dục không thường xuyên, nên chọn đi bộ ngắn khi thời tiết nóng. Trường hợp không thể giảm được sức nóng, hãy giảm cường độ tập luyện đi bộ của bạn. Đi thật chậm lại, đặc biệt là khi đi lên dốc. Đồng thời cần tránh những bài tập cường độ cao hơn trong thời gian nắng nóng. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim hoặc đang dùng thuốc như thuốc lợi tiểu, nắng nóng có thể tăng nguy cơ cho sức khỏe, vì thế cần tránh đi bộ khi thời tiết nóng.